Niên học 1967-1968, chúng tôi thi tốt nghiệp cấp ba (nay là tốt nghiệp THPT), cũng có bài thi môn Lịch sử. Chúng tôi học lớp Toán đặc biệt (nay gọi là lớp chuyên Toán). Thông tin phải thi tốt nghiệp môn Lịch sử quả là kinh hoàng với dân học Toán, vì lâu nay chúng tôi vẫn rất sợ môn học thuộc lòng này.
May mắn, nhà trường đã cử một cô giáo dạy Sử đến “cứu” chúng tôi. Theo cách dạy của cô, đầu tiên chúng tôi phải nắm chắc các giai đoạn và các sự kiện trong từng giai đoạn đó. Bước tiếp theo, cô dạy chúng tôi cách phân tích các sự kiện lịch sử ứng với mỗi giai đoạn. Với từng sự kiện này, cô lại phân tích, đánh giá theo một dàn ý gồm:
– Bối cảnh lịch sử khi xảy ra sự kiện.
– Diễn biến của sự kiện.
– Kết quả của sự kiện.
– Ý nghĩa lịch sử của sự kiện, vai trò của sự kiện đối với Việt Nam và thế giới.
>> Con tôi ‘đánh vật’ với hai trang đề cương thi học kỳ môn Sử
Với cách dạy của cô, chúng tôi học và thi môn Lịch sử vô cùng suôn sẻ. Kết quả, cả lớp đều đạt điểm khá. Việc học các sự kiện ban đầu tưởng chừng rất khó khăn, nhưng sau cùng ai trong chúng tôi cũng đều học được. Tât cả chỉ bằng cách mở mục lục của sách giáo khoa Lịch sử và học theo từng giai đoạn một và cố nhớ các sự kiện lịch sử trong đó. Ví dụ, giai đoạn năm 1929-1931; 1931-1933; 1933-1939; 1939-1945…
Và theo cách này, trước khi ngủ, tôi không cần mở sách cũng có thể học ôn được môn Lịch sử vốn rất khiếp sợ trước đó. Gần 60 năm đã trôi qua nhưng những khi nhớ lại, chúng tôi vẫn luôn biết ơn thầy cô của mình, đặc biệt là cô giáo dạy Sử năm ấy.
Quay lại với bài viết “Lịch sử không phải môn học thuộc lòng“, tôi hoàn toàn nhất trí với tác giả. Nếu học sinh được dạy cách nhớ, cách phân tích sự kiện lịch sử một cách khoa học, có hệ thống, tôi tin tât cả các em đều có thể phân tích, đánh giá các sự kiện lịch sử ấy một cách đơn giản. Khi đó, việc học và thi môn học này cũng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.